Đài Loan là một điểm đến, một điểm tựa, một hành trình luôn giúp tôi quan sát, cảm nhận, suy ngẫm về một châu Á lục địa.

Trước khi tới Đài Loan, tôi luôn tự hỏi những điều khá… to tát: Điều kỳ lạ nào khiến một Trung Hoa “nguyên khối” từ 221 trước Công nguyên đã chia tách, chuyển dịch và biến đổi?
Khoảng cách trên biển Hồng Hải với Trung Hoa lục địa là bao xa? Có thể nhìn thấy gì từ Ngọc Sơn- đỉnh núi cao nhất, khoảng hơn 3000 mét từ mặt nước biển?

Có thể thấy gì từ một xứ sở mà diện tích chỉ lớn hơn Singapore, Phú Quốc chừng 4 lần, rộng hơn Macao, Cát Bà gần 10 lần? Có thể đo đếm được gì từ một vùng đất chỉ dài hơn ba lần so với Quảng Bình?

Từ hai kiến trúc biểu tượng là Bảo tàng Cố cung đến tòa nhà 101 tầng ở Đài Bắc, có thể định tính, định lượng những thay đổi nào lớn rộng hơn của xứ sở này?

Thật may là, một nhà văn, một họa sỹ, một nghệ sỹ đường phố đã để lại lời nhắn, câu trả lời trong một tác phẩm mà anh gửi lại bên đường Tín Nghĩa, nơi chỉ cách tòa nhà chọc trời một vài bước chân. Tác phẩm có tên Bến xe bus Mặt Trăng lại cho tôi thấy một tâm thế, tầm vóc khác nhỏ bé, giản dị và cũng lớn lao hơn của Đài loan.

Từ bảo tàng Cổ vật đến 101 Đài Bắc

Tác phẩm điêu khắc Tình Yêu- LOVE của Rebecca Horn phía trước tòa nhà 101

Trước khi không gian văn hóa của Trung Quốc hiện đại nát bấy, điêu tàn trong những biến cố của lịch sử, những tuyệt phẩm tinh hoa nhất của mấy nghìn năm lịch sử của Trung Hoa, của phương Đông lặng lẽ dời bỏ lục địa. Và may mắn thay, tất cả đã được tập hợp lại trong một bảo tàng cổ vật lớn nhất thế giới.

Gần 700.000 hiện vật của gần 10.000 năm lịch sử đầy biến động đã tạo cho nơi này một phối cảnh văn hóa rợn ngợp. Tôi sẽ không nghi ngờ gì khi KTS Lý Tổ Nguyên đã quan chiêm, lắng nghe, đón nhận, tinh cất từng cảm giác tinh tế nhất từ quá khứ để hun đúc, hội tụ rồi kết tạo nên một biểu tượng mới, vững chãi, sừng sững cho cộng đồng của mình.

Nếu đứng gần, người ta dễ nhìn thấy trên vách đứng của tòa nhà, các dầm chịu lực đều có các trang trí đồng tiền, khánh ngọc hay hoa mây. Đó là những biểu tượng vốn có mà người Đài Loan, Trung Quốc và phương Đông vẫn bày tỏ những ước mong về phú quý, an khang, phúc lành.
Nếu bay lên cao, người ta sẽ thấy trên nóc trung tâm thương mại có một cây gậy Như Ý khổng lồ. Nó như phóng chiếu từ những báu vật đang nằm lặng im trong bảo tàng của các hoàng đế Trung Hoa.

Nhưng khát vọng về quyền lực, ý chí về quyền năng của con người chưa dừng lại ở đó. Và chỉ khi lùi ra đủ xa, chưa cần những rung cảm sâu lắng của tâm thức, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, người ta sẽ dễ nhận thấy mặt cắt của Đài bắc 101 là hình đồng dạng với rất nhiều Phật tháp nổi tiếng của Trung Hoa.

Đó là hiện thân mới của tháp Đại Nhạn ở Tây An, Đăng Phong chùa Tung Nhạc hay Tam Tháp ở Đại Lý, Vân Nam; Một kích cỡ khác của Phật tháp chùa Khai Nguyên; Một chất liệu mới lạ của Phật tháp chùa Hữu Quốc, Khai Phong; Và rất có thể 101 Đài Bắc là một chiều cao mới của Thiên Đàn, Bắc Kinh…?

Không phải kích cỡ vật chất khác thường, hơn cả những mố cọc rất sâu hay quả cầu thép khổng lồ đang giúp cho tòa nhà có thể cân bằng, trụ vững trước những biến cố như động đất hay gió to, bão lớn. Chính những tập hợp của khát vọng, niềm tin giúp con người thêm hy vọng về khả năng kết nối với những sức mạnh siêu nhiên của trời đất, vũ trụ. Đó mới là chất liệu để tạo tầm vóc mới Đài Loan. Đó là Đài bắc 101.

Gallery not found.

Ai trở về bầu trời cùng mặt trăng nào?

Tác phẩm Bến xe mặt Trăng
Tác phẩm Bến xe mặt Trăng

Các nghệ sỹ và trẻ thơ Đài Loan thì có những giấc mơ, suy nghĩ và hành xử rất khác với các chính trị gia hay các đại gia.

Điều dễ nhận thấy nhất là kích cỡ vật chất của tác phẩm đều nhỏ bé, khiêm nhường hơn rất nhiều so với những ý tưởng sáng tạo cũng như nỗi buồn, tâm trạng đầy trắc ẩn của họ. Nhưng chắc hẳn những ám ảnh, ảnh hưởng, tác động của tác phẩm tới cảm xúc, tình yêu, niềm đam mê và ước vọng của người thưởng lãm thì không dừng lặng trong một khuôn khổ của những gì họ có thể nhìn thấy.

Bến xe mặt Trăng là một minh chứng. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt nằm lặng lẽ bên con đường Tín Nghĩa được Jimmy Huang làm dựa theo câu chuyện Khi Mặt Trăng bị lãng quên của họa sỹ Jimmy Liao.

Bên một vỉa hè nhỏ bé, chiếc xe bus và những mặt trăng được vẽ gương mặt cười đang soi bóng xuống một mặt nước mỏng, lung linh thực ảo. Có lẽ chuyến xe đang chuẩn bị dời bến. Trên xe chỉ có chú bé cô độc, buồn bã đang ôm ghì lấy Mặt Trăng. Chung quanh là một không gian đầy ắp những ký họa về những ngày Mặt Trăng bị lạc trên trái đất.

Những gì đã xảy ra sau biến cố này? Con người chờ đợi Mặt Trăng mỗi khi hoàng hôn xuống. Thủy triều quên dâng. Mặt biển thành tấm kính đen cứng, vô hồn. Trái đất trơ lì, lạnh lẽo. Các phi thuyền được cử đi tìm kiếm Trăng lạc trong vũ trụ mênh mông. Các vị vua quên việc triều chính để trở thành nhà chiêm tinh…

Và đến một lúc nào đó, mọi điều, con người và cả Mặt trăng nữa cũng sẽ phải trở về nơi đã ra đi, nơi chốn bị lạc hay quên lãng. Hành trình trở về với trật tự vốn có này khởi phát từ bến QUÊN và nơi đến sẽ là bến NHỚ.

Không cần những thang máy công nghệ hiện đại cũng những dây cáp bền chắc, chỉ cần nỗi buồn về thân phận con người, những suy tư về bao biến cố trong đời sống và một niềm tin trong sáng, tình yêu trong trẻo của trẻ thơ, Bến xe mặt Trăng trở thành một ngôi nhà, một thành phố, một nơi chốn mà con người có thể hiểu biết hơn, gắn bó hơn với trật tự đang hiện hữu của vũ trụ này.

Sau khi đi dọc Đài Loan, nhìn lại đại lộ Tín Nghĩa, dường như, Bến xe mặt Trăng có gì đó lạ thường, bất ngờ như những hình hài đá trong Công viên địa chất Dã Liễu; Bến xe mặt Trăng có độ trầm lắng, minh triết như nhịp cầu Trăng trong mờ sương công viên Quốc gia; Nó kiêu hãnh như nhịp cầu mà Starchitect Zaha Hadid để lại bên sông Đạm Thủy; Nó mộc mạc hơn cả những bức tường đá, những con đường hay vòm cổng đá của làng chài khuất nẻo trên đảo Mã Tổ…

Chợt mông lung, chẳng biết sự sáng tạo của nghệ sỹ, những tác phẩm của nghệ thuật khai sáng có đủ tầm vóc và quyến rũ hơn những con số thống kê, những thuật toán trong hệ nhị phân đã tạo nên cái duy nhất, có một không hai cho Đài Bắc 101?

Gallery not found.

Biết làm gì hơn, chỉ muốn nhâm nhi đôi câu thơ mà Jimmy Huang và Jimmy Liao đã viết trên trần xe bus:

“ What used to be unseen is now visible.
What used to be forgotten is now remembered.
The dark clouds are drifting away, and the moon is coming out”.

Những gì không thể nhìn thấy lại hiện hữu.
Bao điều từng bị lãng quên đã được hồi nhớ.
Và khi mây đen tan đi, là lúc, mặt trăng ló rạng

Ảnh khác:

Gallery not found.

Bài Xuân Bình– Ảnh: Hải Sơn

Bình luận từ Facebook

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

36 head

Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head

Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head

Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head

Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more